CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM EROPHAR FRANCE
Menu

Label
EROPHAR FRANCE nhà liên doanh sản xuất, nhập khẩu, phân phối chuyên nghiệp.


Điện thoại: 0912.620.115
Bác sĩ: Ds. Xuân Hùng
Hỗ trợ trực tuyến
P. KINH DOANH MIỀN BẮC
Ms. Thanh
Điện thoại: 0915.311.104
P. KINH DOANH MIỀN TRUNG
Ds. Hùng
Điện thoại: 0912.620.115
P. KINH DOANH MIỀN NAM
Ds. Hùng
Điện thoại: 0912.620.115
Hệ thống phân phối
Quảng cáo hình ảnh
Thông tin y học
Triển vọng của công nghiệp dược Việt Nam
Chúng ta hãy tưởng tượng thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI dồn lại chỉ trong 1 năm thì năm 2012 sẽ được coi là những tháng đầu xuân. Thử suy nghĩ về triển vọng của công nghiệp dược Việt Nam trong những “ngày xuân” của năm 2012 và “mùa xuân” của thập kỷ 2011-2020.
Định vị công nghiệp dược trong nền kinh tế Việt Nam năm 2020
Thời đại toàn cầu hóa kinh tế đang tạo điều kiện và thời cơ để ngành công nghiệp dược ở một nước đang phát triển có thể “tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu”. Trong vài thập niên gần đây, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đã và đang áp dụng “chiến lược gia công sản xuất bên ngoài” (outsourcing strategies) nhằm vào các nước đang phát triển với các mục tiêu: Hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh về giá so với việc sản xuất tại các nước phát triển với chi phí sản xuất quá cao, nhằm mở rộng thị phần, đặc biệt thị phần tại các nước đang phát triển với dân số lớn nhưng sức mua có hạn; Xuất khẩu trở lại thị trường các nước phát triển với các điều kiện rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện sản xuất góp phần giảm chi phí y tế; Tập trung nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học - kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao của mình để nghiên cứu phát minh các dược chất mới, các dạng bào chế mới, các dược phẩm độc quyền “bom tấn” (blockcluster) với lợi nhuận khổng lồ.
 
thông tin y dược

 Công nghiệp dược nội địa đã từng bước tiếp
cận các chuẩn mực quốc tế .
Ảnh: H. Hồng
Để thực hiện chiến lược “gia công sản xuất bên ngoài” (out-sourcing), các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội: Mua lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy ở các nước đang phát triển để cải tạo và nâng cấp theo tiêu chuẩn tiên tiến của công nghiệp dược các nước phát triển; Gia công sản xuất hoặc sản xuất theo hợp đồng tại các nhà máy ở các nước đang phát triển có khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến và có khả năng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn cầu của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia; Thực hiện các thỏa thuận “nhượng quyền thương mại” (marketing authorization transfer) các sản phẩm tiềm năng của các công ty nội địa ở các nước đang phát triển, nâng cấp tiêu chuẩn và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu của các tập đoàn để phân phối tại thị trường trong nước và/hoặc xuất khẩu.
 
Rõ ràng chiến lược “gia công sản xuất bên ngoài” của các tập đoàn đa quốc gia, trước hết nhằm phục vụ cho mục đích duy trì vị thế chiếm lĩnh thị trường, tìm kiếm, tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro của họ. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội và là bước đi đầu tiên cho các công ty dược của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, từng bước tham gia vào “chuỗi giá trị toàn cầu” của dược phẩm nếu biết lựa chọn những phương án thông minh và thích hợp.
 
Để tạo dựng, tăng cường lợi thế cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của dược phẩm, điều kiện tiên quyết trong thập kỷ tới là phải “Hiện đại hóa công nghiệp dược Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp bào chế và phải chuyển nhanh từ một nền công nghiệp dược phát triển theo chiều rộng (số lượng) sang nền công nghiệp dược hiện đại phát triển theo chiều sâu (chất lượng)”.
Một số giải pháp quan trọng hiện đại hóa công nghiệp dược Việt Nam
 
Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
Cho đến năm đầu tiên của thập kỷ này, ngành dược đã có một loạt văn kiện được Nhà nước chính thức ban hành, làm kim chỉ nam cho sự phát triển trong thập kỷ 20 và tầm nhìn hướng tới 2030. Mặt khác, Cục Quản lý Dược cũng đang có kế hoạch kiểm điểm, đánh giá 15 năm thực hiện “Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam”  và đề xuất việc Dự thảo “Chính sách Dược quốc gia” cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế - xã hội.
 
Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có một bản kế hoạch tổng thể (Master Plan) phát triển công nghiệp dược cho thập kỷ này, là văn bản có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để định hướng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như đối với các doanh nghiệp dược hiện hữu trong việc xây dựng kế hoạch phát triển mới, mở rộng, nâng cấp các cơ sở sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Bản kế hoạch tổng thể cần xác định các hướng và lĩnh vực ưu tiên phát triển, trình độ hiện đại của công nghiệp dược cần đạt đến vào cuối thập kỷ 20, sự phân bố đầu tư hợp lý về khu vực địa lý, mức chất lượng cần đạt đến của dược phẩm trong nước. Trong bản kế hoạch tổng thể cần nhấn mạnh đặc biệt đến ưu tiên phát triển và hiện đại hóa công nghiệp bào chế và xác định thật chính xác một vài lĩnh vực cần phát triển của công nghiệp hóa dược trong thập kỷ này. Việc xác định chính xác lĩnh vực ưu tiên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng liên quan đến thành bại của quy hoạch, kế hoạch. Cần hiểu rằng có quá nhiều lĩnh vực ưu tiên, đồng nghĩa với việc không có ưu tiên thực sự nào cả.
 
Hoàn thiện chính sách và hệ thống văn bản pháp quy trong lĩnh vực dược
Cần xây dựng và công bố các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên và đầu tư hiện đại hóa công nghiệp dược Việt Nam. Các chính sách cần khuyến khích sự phát triển công nghiệp dược theo chiều sâu (chất lượng cao, tính sáng tạo, hoạt động nghiên cứu - phát triển) và hạn chế sự phát triển theo chiều rộng (số lượng nhiều, chất lượng thấp), khuyến khích chuyển các cơ sở sản xuất từ đa dạng hóa sang chuyên môn hóa. Khi các nhà máy dược phẩm đã đạt tới “biên giới công nghệ” có tính đại trà thì chính sách cần phải khuyến khích và “đỡ đầu” cho sự xuất hiện các doanh nghiệp mới với công nghệ mới. Điều này đòi hỏi phải đổi mới từ tư duy xây dựng luật lệ, chính sách của cơ quan quản lý đến tư duy của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Cần có biện pháp hữu hiệu hạn chế cạnh tranh khốc liệt bằng “chất lượng thấp, giá rẻ” làm nản lòng những nhà đầu tư nghiêm túc.
 
Cần tăng cường tính khả thi và tính hữu hiệu của hệ thống văn bản pháp quy về dược, nhằm bảo đảm hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước về thuốc. Trong bối cảnh hội nhập, cần chú ý đến tính hài hòa với quy chế dược của các nước trong khu vực và những thị trường đích của công nghiệp dược Việt Nam, hài hòa với những hướng dẫn chung của Tổ chức Y tế Thế giới, với các Hiệp định hợp tác quốc tế về dược.
 
Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực sáng tạo
Cần xác định thật rõ ràng rằng, nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp dược Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp hóa dược không chỉ hoàn toàn bao gồm các nhà chuyên môn về dược. Nền công nghiệp dược hiện đại, kể cả công nghiệp bào chế, đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia ưu tú của nhiều ngành khoa học và công nghệ khác nhau, kể cả các chuyên gia y tế và kinh tế. Vì vậy, sự phát triển của công nghiệp dược không thể tách khỏi mà phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và tiềm lực khoa học- công nghệ của đất nước.
 
thông tin y dược 1
 Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại nhà máy của Traphaco ở Hà Nội.
Với địa vị là một nước vừa thoát qua ngưỡng thu nhập thấp, việc đầu tư các cơ sở nghiên cứu khoa học không thể chỉ trông chờ vào đầu tư công mà cần có chính sách khuyến khích và tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần chú ý tình trạng hiện nay, các doanh nghiệp dược Việt Nam có quy mô nhỏ, khó có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu khoa học dược đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa ra các mô hình kết hợp công - tư và khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, để trong một thời gian hợp lý có thể nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược.
Về nguồn nhân lực dược, cần đổi mới và hiện đại hóa chương trình đào tạo các trường đại học dược Việt Nam theo xu thế chung trên thế giới: Có chương trình đào tạo khác biệt cho 2 loại dược sĩ: dược sĩ hoạt động trong sản xuất dược phẩm (product-oriented pharmacist) và dược sĩ hoạt động trong các cơ sở khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (patient - oriented pharmacist), vì rằng để hoạt động có hiệu quả, nền kiến thức và kỹ năng của 2 nhóm dược sĩ này có những khía cạnh và yêu cầu khác biệt. Việc đào tạo dược sĩ theo một chương trình chung có thể gây ra những bất cập, kém hiệu quả và lãng phí.
Thập kỷ 2011 - 2020 là giai đoạn có tính chất bước ngoặt của nền kinh tế đất nước nói chung và công nghiệp dược Việt Nam nói riêng nhằm đạt được mục tiêu đã được xác định: “Trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn trong nền kinh tế của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Vấn đề cần thiết là sớm nghiên cứu đề ra quy hoạch, kế hoạch phát triển và hệ thống các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của xu thế toàn cầu hóa hiện nay.            
                                                          PGS.TS.Lê Văn Truyền (Chuyên gia cao cấp dược học)

Thông tin y dược
Tư vấn và Điều trị
WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương
Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương
Tài liệu : công nghiệp bào chế dược phẩm / Bạn hãy click vào đường link dưới đây để xem chi tiết. t...
Tài liệu Dược lý học tập 1. Bác sĩ Đa Khoa
© 2014 Erophar.com
Design by Gooddesign.vn